VN

Home

About

Contact

Online shop

Sáng chế lò đốt rác thải y tế bảo vệ môi trường

Hệ thống lò đốt rác thải y tế do ông Trịnh Đình Năng sáng chế ra đã góp phần giảm nguy cơ lây truyền bệnh, bảo vệ môi trường sống.

“Mỗi ngày, môi trường sống của chúng ta phải tiếp nhận hàng trăm tấn rác thải y tế từ các bệnh viện. Nếu không được xử lý sớm sẽ là nguồn gây bệnh đe dọa trực tiếp tới đời sống của cộng đồng dân cư”. Đó cũng là trăn trở để ông Trịnh Đình Năng ở xã Nông Thượng, thị xã Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn tìm tòi, nghiên cứu và sáng chế thành công hệ thống xử lý rác thải y tế mang nhãn hiệu HTL.

Đây là sản phẩm được đánh giá là đem lại hiệu quả kinh tế cao, đạt chất lượng xử lý môi trường cao nhất, và đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học- Công nghệ cấp bằng sáng chế.

Lò đốt rác Trịnh Năng: Lò đốt YT 50 (Ảnh: Báo Bắc Kạn)

Mặc dù chỉ được đào tạo qua trường công nhân kỹ thuật gang thép Việt Bắc từ những năm 1970, nhưng mấy chục năm nay với niềm đam mê, tìm tòi trong thực tiễn, ông Trịnh Đình Năng đã sáng chế ra nhiều vật dụng hữu ích như: máy ép biên xe máy bán khắp miền Bắc; những phụ tùng cơ khí để bán theo đơn đặt hàng; máy tuyển lọc vàng từ đất, đá nghiền mang lại hiệu quả và gần đây nhất là hệ thống lò đốt rác thải y tế.

Ông Trịnh Đình Năng cho biết: “Qua quá trình tìm hiểu thực tế, tiếp xúc với các bệnh viện, tôi thấy rác thải y tế không được xử lý thì rất nguy hại cho cộng đồng, nguy cơ lây truyền bệnh rất lớn. Chính vì lý do đó, tôi nghiên cứu ra hệ thống lò đốt rác thải y tế”.

Cách đây gần 10 năm, tôi đã bỏ tiền ra thành lập trung tâm nghiên cứu về nhiệt. Tôi tự nghiên cứu, chế tạo, rút kinh nghiệm từ những việc làm của mình. Tôi nghĩ, làm gì thì cơ bản là phải có kiến thức, nhưng cần hơn là kiến thức trong thực tế”.

Hệ thống xử lý rác thải y tế của ông Trịnh Đình Năng là một hệ thống đồng bộ, thực hiện đốt liên hoàn không gián đoạn, công đoạn thiêu đốt bằng thiết bị công nghệ Nano khép kín nên phân huỷ triệt để khói, bụi và các mùi độc hại. Lò gồm 3 bộ phận chính: Đầu đốt, lò đốt và hệ thống xử lý khói bụi. Ưu điểm lớn nhất là rác được đốt hoàn toàn. Trong khi đốt, vẫn có thể mở cửa lò cho rác vào được, người vận hành lò không bị ảnh hưởng.

Ông Trịnh Đình Năng khẳng định: “Hệ thống lò đốt rác thải y tế là hệ thống đã hoàn chỉnh có thể vận chuyển được chỉ cần đấu điện, nước, xây một cái bể nhỏ và có thể xử lý môi trường nước. Tất cả các lò đốt ở Việt Nam chưa có lò nào cân bằng áp suất như hệ thống này.

Công nghệ mới của lò là đốt liên hoàn, phụt lửa vào vật đốt chứ không như các lò khác là phụt dầu vào. Trung tâm lò đốt, nhiệt độ có thể lên tới 1.800 độ C. Thời gian đốt cũng rất nhanh. Tôi mong muốn làm thế nào để ngoài việc làm nghề nuôi sống chính mình thì còn đóng góp vào việc bảo vệ môi trường cho đất nước”.

Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ, lò đốt do ông Trịnh Đình Năng sáng chế là công nghệ lò đốt rác thải y tế đầu tiên ở Việt Nam đạt quy chuẩn 30 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tiết kiệm trên 80% nhiên liệu đốt so với lò nhập ngoại.

Nếu đốt bằng dầu diezen chỉ hết 5.000 đồng/kg rác thải và 2.000 đồng/kg khi đốt bằng dầu thải. Trong khi đó, các loại lò của Mỹ, Nhật Bản, Anh hiện nay phải chi phí từ 70.000-80.000 đồng/kg rác thải. Hệ thống xử lý rác thải này đã đạt giải Nhất hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bắc Kạn. Chính vì thế, ông Đỗ Tuấn Khiêm, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Kạn đánh giá cao sản phẩm này và cho biết: “Hệ thống xử lý rác thải do ông Năng sáng chế phù hợp trong với những cơ sở có lưu lượng rác vừa phải, đã áp dụng được nhưng công nghệ tiên tiến. Hiệu suất sử dụng cao và tiết kiệm nguyên liệu. Đây là vấn đề rất cần được quan tâm để hạn chế giá thành cho sản phẩm và hạn chế ô nhiễm môi trường. Hiện nay, hệ thống này đã được áp dụng ở một số bệnh viện và được đánh giá rất cao”.

Thành công của hệ thống xử lý rác thải y tế là tiền đề để ông Trịnh Đình Năng tiếp tục nghiên cứu hệ thống xử lý rác thải ở các đô thị. Những nhà sáng chế như ông rất cần cho cuộc sống và hy vọng trong thời gian không xa, những sáng chế của ông sẽ được áp dụng rộng rãi trong cả nước, góp phần bảo vệ môi trường Việt Nam./.

Bài liên quan:

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài mới

Endo Fullerene shop

Categories